I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

Trà Thủy là một trong những xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Trà Bồng, nằm ở phía Bắc của huyện, gần trung tâm huyện lỵ - thị trấn Trà Xuân, phía Đông giáp xã Trà Giang và xã Trà Phú, phía Tây giáp xã Trà Hiệp và huyện Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp Thị trấn Trà Xuân, xã Trà Sơn và xã Trà Lâm, phía Bắc giáp huyện Núi thành tỉnh Quảng Nam. Tọa độ 150 17’ 38 Bắc và 1080 29’ 4 Đông. Xã Trà Thủy gồm có 06 thôn, thuộc khu vực III. Trên địa bàn xã gồm có 8 dân tộc cùng chung sống: Co, Kinh, Hre, Tày, Cdong, Gié Triêng, Giarai, trong đó Co chiếm 90,1% dân số toàn xã. Toàn xã có 911 hộ với 3.671 nhân khẩu. Trong đó có 142 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 15,59%; 230 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 25,25%.

          Trà Thủy là xã miền núi có địa bàn dài, rộng, dân cư thưa thớt, địa giới hành chính giữa các thôn có nhiều đồi, dốc. Các tuyến đường liên thôn, liên tổ vẫn còn khó khăn trong việc đi lại, nhất là vào mùa mưa bão nên việc quản lý, tiếp xúc và tuyên truyền vận động Nhân dân có phần khó khăn nhất định. Nhân dân trên địa bàn xã chủ yếu sống bằng nghề nông, các mô hình kinh tế hộ gia đình phát triển chưa nhiều, điều kiện đất đai khô cằn, ít thuận lợi cho việc canh tác,… Diện tích tự nhiên 76,14km2. Đất đai chủ yếu là đất xám bạc màu, giữ nước kém, ít màu mỡ, địa hình lại trắc trở, nhiều sông suối chia cắt nên xã Trà Thủy gặp nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế – xã hội. Đồi núi chiếm ba phần tư diện tích tự nhiên và có địa hình rất hiểm trở, nhiều dốc cao, suối sâu, giao thông đi lại khó khăn nên trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Trà Thủy cũng như các xã khác trên địa bàn huyện Trà Bồng đã từng là căn cứ địa cách mạng của tỉnh.

Trước đây, có những khu rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý, thảm thực vật đa dạng và thú rừng quý như cọp, voi, beo, gấu, các loại chim sáo, chèo bẻo, hoàng anh, gõ kiến. Nhưng do chiến tranh ác liệt và nạn phá rừng nên nhiều khu rừng, nhiều loài động, thực vật quý hiếm mất dần, gây tác động xấu đến môi trường và đời sống Nhân dân.

Sông Trà Bồng: là con sông lớn nhất trong vùng người Co cư trú, là một trong bốn con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Vùng người Co cư trú chính là nguồn phát sinh của dòng sông, nên mới có tên là nguồn Thanh Bồng hay nguồn Trà Bồng. Sông vùng thượng lưu từ vùng núi Trà Quân (Tà Kút) chảy xuống, theo hướng Tây Đông, góp nước từ vô vàn khe suối lớn nhỏ ở đôi bên, như suối Kà Tinh, Nước Vọt, Nước Nun, Trà Cân, Cà Đú, suối Nang, suối Vin, suối Cầu, suối Bà Lãnh, sông Trà Bói chảy thẳng về hướng Đông, xuyên qua huyện Bình Sơn, đổ ra cửa biển Sa Cần. Con sông có chiều dài khoảng 55km. Trong tiếng Co, sông Trà Bồng gọi là Đhắk Tà Bóoc. Lòng sông có nhiều tảng đá lởm chởm, dòng chảy rất xiết, khi đang khô cạn mà có một trận mưa lớn là nước sông dâng đầy, ào ạt réo vang rừng.

II. DÂN CƯ VÀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH LÀNG XÃ

Trên địa bàn xã Trà Thủy có 3 dân tộc cùng sinh sống gồm Kinh, Co, H’rê, trong đó dân tộc Co chiếm đa số. Người Co trên địa bàn xã Trà Thủy còn được gọi là Co vùng Đường Nước (Co vùng thấp) để phân biệt với những người Co sống trên vùng rẻo cao – Co Đường Rừng (Co vùng cao), những tộc người Co ở vùng xung quanh núi và dọc theo dòng sông Trà Bồng.

          Nguồn gốc của cư dân Trà Thủy là một trong bốn nguồn (nguyên) Trà Bồng của tỉnh Quảng Ngãi, thường được gọi là nguồn Đà Bồng đến đời vua Minh Mạng (1820 – 1839) đổi là Thanh Bồng, một thời gian sau mới đổi thành Trà Bồng. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, châu Trà Bồng đổi là huyện Trà Bồng, hình thành 13 xã[1], trong đó có xã Trà Thủy. Đến năm 1958, sau khi chính quyền Sài Gòn tiếp quản đã đổi huyện Trà Bồng thành quận Trà Bồng, đổi tên xã cũ thành xã mới, lúc này xã Trà Thủy đổi thành Trà Bắc. Cuối năm 1955, sau khi tiếp quản Trà Bồng, nguỵ quyền Sài Gòn đổi huyện Trà Bồng thành quận Trà Bồng, lập thành 7 xã và 13 ấp. Ba xã người Kinh đổi tên gọi thành Trà Khương, Trà An, Trà Hoà. Về phía cách mạng, để xây dựng căn cứ địa phục vụ cho lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng, vào năm 1957, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi quyết định tách các xã Sơn Thọ, Sơn Hiệp, Sơn Bùi, Sơn Tân là xã người Kor của huyện Sơn Hà, sáp nhập vào huyện Trà Bồng và đổi tên thành các Trà Thọ, Trà Hiệp[2], Trà Bùi, Trà Tân. Tháng 5-1958, để thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi quyết định tách các xã đông bắc của huyện để thành lập khu I, các xã vùng núi Cà Đam để thành lập Khu II, các xã phía tây huyện để thành lập Khu IX. Trong những năm 1062 – 1965, Trà Bồng là một trong những huyện vùng căn cứ địa Khu V, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Khu uỷ V. Năm 1965, Trà Bồng trở về trực thuộc sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Quảng Ngãi. Đầu năm 1970, Trà Bồng được chia làm 2 huyện là Tây Trà và Đông Trà. Cuối năm 1970, Khu uỷ V nhập huyện Trà Bồng và huyện Sơn Tây tahnhf Khu Sơn Trà trực thuộc Khu A của Khu uỷ V. Cuối năm 1972, Khu Sơn Trà giải thể; các xã Sơn Tây về lại huyện Sơn Tây, các xã thuộc huyện Trà Bồng trở về huyện Trà Bồng như trước và trực thuộc tỉnh. Từ khi đất nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trà Bồng là huyện kết nghĩa với huyện Quỳ Châu và có mối quan hệ rất tốt đẹp với các huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Nam Đàn của tỉnh Nghệ An. Sau khi được hoàn toàn giải phóng vào năm 1975, qua mấy lần nhập, tách đơn vị hành chính cơ sở, đến cuối năm 1990 Trà Thủy là 1 trong 19 xã của huyện Trà Bồng[3]. Ngày 01/12/2003, theo Nghị định số 145/2003/NĐ – CP của Chính phủ, 9 xã phía Tây huyện được tách lập thành huyện mới Tây Trà. Trà Bồng còn lại 10 xã, thị trấn[4]. Xã Trà Thủy có 6 thôn, gọi theo thứ tự từ thôn 1 đến thôn 6.

Người Co sống khá tập trung giữa núi rừng cheo leo heo hút, trong từng nóc. Mỗi nóc là một ngôi nhà dài, chia thành nhiều ngăn, thường gọi là bếp, cho mỗi gia đình. Có nóc dài đến 50, 60 bếp; đó là niềm tự hào vì có đông người sống đoàn tụ, vui vẻ. Tuy nhiên, mỗi gia đình vẫn là một đơn vị kinh tế riêng, có công cụ và phương tiện sản xuất riêng, thu hoạch riêng, trước khi có phong trào sản xuất theo lối hợp tác lao động hiện nay. Từ ngày xưa, cả nóc thường lao động tập đoàn vân đổi công, tương trợ lẫn nhau trong các công việc lớn như phát rẫy, tỉa hạt, tuốt lúa,…

Trong xã hội người Co, sự phân hóa giai cấp chưa rõ rệt. Mặc dù vẫn có người thu nhập khá hơn, người ít hơn, nhưng tất cả đều lao động như nhau và mức sống không chênh lệch nhau nhiều. Khi xảy ra đói cơm, lạt muối thì không chỉ riêng gia đình nào mà là tất cả. Chỉ ở vùng ruộng mới có một số người chiếm hữu ruộng đất nhưng không nhiều và sự phân hóa giai cấp cũng chưa thật rõ rệt. Do đó, trong nội bộ các thôn nóc, người Co sống đoàn kết, hòa thuận với nhau. Người Co tính tình thuần phác, thật thà, khi đã tin ai thì thủy chung gắn bó, khi đã ghét ai thì không dễ nguôi. Tất cả sự xâm nhập thô bạo từ bên ngoài vào thường bị sự phản ứng và chống trả quyết liệt.

Cuộc chiến đấu lâu dài để bảo vệ sự sống còn của bộ lạc, để giữ gìn các nguồn sống đã tạo nên cho người Co  một tinh thần chiến đấu không khoan nhượng, lòng tự tin và tự hào dân tộc sâu sắc. Họ sẵn sàng chịu tất cả mọi hy sinh, gian khổ để chống trả lại sự xâm nhập từ bên ngoài đến, dù phải chết chóc, bỏ làng, bỏ rẫy. Trước đây người Co cũng như các dân tộc ít người khác ghi sâu hận thù và tục “ăn đầu, trả đầu”[5] đã thúc đẩy họ quyết đấu với quân thù.

 

[1] 13 xã của huyện Trà Bồng sau năm 1945: Trà Khê, Trà Lãnh, Trà Nham, Trà Thủy, Trà Sơn, Trà Xuân, Trà Phú, Trà Bình

 

[3] Trà Thanh, Trà Khê, Trà Quân, Trà Phong, Trà Thọ, Trà Hiệp, Trà Lâm, Trà Lãnh, Trà Thủy, Trà Sơn, Trà Nham, Trà Bùi, Trà Giang, Trà Phú, Trà Bình, Trà Tân, Trà Trung, Trà Xinh và thị trấn Trà Xuân.

[4] Trà Phú, Trà Bình, Trà Tân, Trà Bùi, Trà Giang, Trà Thủy, Trà Hiệp, Trà Lâm, Trà Sơn và thị trấn Trà Xuân.

[5] “Ăn đầu, trả đầu” là một phong tục tập quán từ xưa của đồng bào các dân tộc ít người. Nếu trong gia đình có người bị sát hại thì người thân thuộc, láng giềng bắt kẻ thù đến tội. Sau cách mạng tháng Tám, dưới sự lãnh đạo và giáo dục của Đảng, đồng bào đã phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc và xóa bỏ các tập tục xấu. Trong quan hệ nội bộ Nhân dân các dân tộc, tục “ăn đầu, trả đầu” không còn tồn tại nữa. Từ khi Mỹ - Diễm đến gây nhiều tội ác, Nhân dân đã lợi dụng tục “ăn đầu, trả đầu” không phải để trả thù cá nhân mà là để trừng trị và tiêu diệt kẻ địch đến lùng sục, bắt bớ, chém giết dân làng. Việc lợi dụng phong tục tập quán này vừa có tác dụng trừng trị bọn ác ôn, vừa giữ được thế đấu tranh hợp pháp của đồng bào dân tộc lúc bấy giờ. Đối với Mỹ - Diệm, tục “ăn đầu, trả đầu” được cọi như là một công cụ bạo lực để chống lại chúng.