Trà Thủy triển khai kế hoạch xây dựng đường giao thông nông thôn năm 2024
Năm 2024, trên cơ sở nhu cầu đăng ký các thôn, UBND xã đã lập đề nghị hỗ trợ 62,4 tấn xi măng thực hiện 10 tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn với tổng chiều dài 0,78km và được UBND huyện phê duyệt tại Quyết định số 2209/QĐ-UBND ngày 22/5/2024 của UBND huyện Trà Bồng về việc phê duyệt khối lượng và danh mục các tuyến đường được hỗ trợ xi măng cho các xã để xây dựng đường giao thông nông thôn năm 2024, thực hiện Đề án Hỗ trợ xi măng để xây dựng đường giao thông nông thôn -miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025.
Tại cuộc họp triển khai kế hoạch, Chủ tịch UBND xã ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động của các ban ngành, các đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn, Trưởng các thôn trong công tác chuẩn bị triển khai kế hoạch xây dựng đường giao thông nông thôn thuộc Đề án Hỗ trợ xi măng để xây dựng đường giao thông nông thôn - miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn xã Trà Thủy năm 2024.
Để triển khai có hiệu quả kế hoạch xây dựng đường giao thông nông thôn năm 2024, trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, các ban ngành, bộ phận chuyên môn, các thành viên Ban phát triển thôn tiếp tục tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra, thảo luận và thống nhất tại cuộc họp. Ngoài ra, các ban ngành chuyên môn cần tập trung các nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Giao Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng - Môi trường: Phối hợp Văn phòng - thống kê xây dựng dự thảo phân công nhiệm vụ cán bộ, công chức phụ trách hỗ trợ và đồng hành Ban phát triển thôn từ khâu tuyên truyền vận động, huy động nguồn lực đối ứng trong dân (máy móc, nhân công), tổ chức lực lượng triển khai thực hiện, theo dõi đánh giá kết quả thực hiện... Trên cơ sở kết quả thẩm định dự toán, tham mưu UBND xã quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng và dự toán công trình.
2. Giao Tài chính - kế toán: Sau khi huyện có quyết định phân bổ kinh phí, tham mưu UBND xã xin chủ trương Đảng uỷ xã, trình HĐND xã quyết định thông qua định mức vốn ngân sách xã đối ứng thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn do Nhà nước hỗ trợ xi măng trên địa bàn xã Trà Thủy năm 2024.
3. Giao Văn hoá - xã hội: Phối hợp các ban ngành, đoàn thể liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động đến từng địa bàn dân cư, hộ gia đình bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với từng đối tượng, cộng đồng dân cư, vận động nhân dân tham gia đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất,... để thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn. Cung cấp thông tin về cách làm hay, các mô hình hiệu quả, các điển hình tiên tiến…trên các kênh thông tin tuyên truyền (như: Hệ thống đài truyền thanh xã, Trang thông tin điện tử xã, kênh zalo, fanpage xã…) để tăng khả năng tiếp cận thông tin, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền.
4. Giao Trưởng thôn: Phối hợp thành viên Ban phát triển thôn thực hiện các nội dung sau: (1) Khẩn trương tổ chức họp thôn triển khai kế hoạch xây dựng đường giao thông nông thôn thuộc Đề án Hỗ trợ xi măng để xây dựng đường giao thông nông thôn - miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn xã Trà Thủy năm 2024. Tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất, tháo dỡ bờ rào, phát quang cây cỏ ... để thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn. (2) Chuẩn bị sẵn sàng kho bãi tiếp nhận xi măng và có phương án bảo quản xi măng, trong đó lưu ý những vấn đề như: Kho bãi phải đủ rộng để tiếp nhận toàn bộ khối lượng xi măng đăng ký; xung quanh kho bãi phải có hệ thống thoát nước tốt, nền kho phải khô ráo và chống được ẩm thấm từ dưới lên; tường, cửa và mái nhà kho phải kín, không để mưa hắt, dột vào xi măng qua mái thủng, tường hở; các bao xi măng được kê trên nền cao cách mặt đất ít nhất 30cm, không để trực tiếp xuống sàn và cách xa vách ít nhất 20 cm; xếp mỗi chồng cao không quá 10 bao, nếu để lâu phải đảo trộn; Đồng thời tuân thủ theo nguyên tắc “lô nào nhập trước thì dùng trước”. Trưởng thôn chịu trách nhiệm trước đồng chí Chủ tịch UBND xã nếu để xảy ra hư hỏng, thất thoát nguồn xi măng, vật liệu sau tiếp nhận. (3) Chuẩn bị nguồn nhân lực (nhất là nguồn nhân lực có tay nghề), máy móc, thiết bị, dụng cụ, kinh phí, mặt bằng... cần thiết để bố trí thi công đảm bảo phù hợp với khối lượng xi măng tiếp nhận.
Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Hội đoàn thể xã: Phối hợp chặt chẽ với UBND xã trong việc tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát. Phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng đường giao thông nông thôn theo cơ chế hỗ trợ xi măng của UBND tỉnh. Huy động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, thanh niên xung kích vì cộng đồng và nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn thuộc Đề án Hỗ trợ xi măng để xây dựng đường giao thông nông thôn - miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn xã Trà Thủy năm 2024 góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.